Mục lục
CHẤT LƯỢNG VÀ GIÁ THÀNH CÓ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI CÁC ĐẶC ĐIỂM RƯỢU VANG VAI TO ĐÁY SÂU NỒNG ĐỘ CAO ?
Thời gian gần đây, trước việc các chai rượu vang đến từ miền nam Italy như Puglia, Calabria, hoặc thậm chí là một số chai rượu vang đến từ Argentina và Chile có vỏ chai rất dày và nặng, chỉ riêng chai thủy tinh rỗng đã nặng tới 1,200 gr. Là một nhà phân phối rượu vang và rượu ngoại chính hãng, rượu 63 thường xuyên gặp những yêu cầu hay câu hỏi tìm kiếm những chai vang có đặc điểm ngoại hình “vạm vỡ” cùng trọng lượng nặng và nồng độ cao cho nhiều đối tượng khách hàng. Ở đây, chúng ta không đề cập đến đúng sai trong yêu cầu hay nhu cầu của khách hàng. Nhưng bất kỳ vấn đề hay lĩnh vực nào, một khi bị đánh đồng dựa trên một tiêu chí nhất định nào đó (định kiến) , thì có phần nào đó không hoàn chỉnh và thiếu khách quan. Với một số người thì yêu cầu như thế luôn là đúng và rất khó để thuyết phục họ rằng đó không phải là tiêu chuẩn để đánh giá chai rượu. Với những ai đã có ít nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm rượu vang, thì đều tự đánh giá được chai vang theo cách riêng của họ, thậm chí chỉ cần vài thông tin trên nhãn chai vang đã có thể nói được giá trị của chai vang đó.
Đọc thêm:
Nếu bạn là một người yêu vang, uống vang hay đơn giản chỉ đang tìm hiểu về rượu vang; chắc hẳn bạn đã nghe đâu đó câu “truyền miệng” như một bí kíp “bí mật” để chọn được chai rượu vang ngon và đẳng cấp trong dân gian, đại loại như:
- Chai cao to, nặng, vỏ thuỷ tinh dày, đáy chai sâu, tem nhãn rượu lớn…
- Chai nồng độ cồn cao từ 14% trở lên. Thậm chí trên 15%ABV ( 15.5% – 18%ABV)
- Chai nút bấc/nút bần (nút vỏ gỗ có nghĩa là cần dung đồ khui rượu vang để mở). Chai nút vặn (nút xoắn, vặn tay ra là mở được) mặc nhiên bị ngầm hiểu là chai rượu có chất lượng bình thường. (đọc thêm bài “Khác Biệt Của các loại Nút Chai Vang” để hiểu thêm định kiến này không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà còn ở rất nhiều thị trường khác như Mỹ.)
RƯỢU VANG VAI TO ĐÁY SÂU NỒNG ĐỘ CAO – ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI
Để hiểu rõ hơn về “trào lưu” này – đang thực sự hiện hữu và sống trong dòng chảy ngành rượu vang. Chúng ta cùng tìm hiểu thực sự chất lượng và giá thành rượu vang có bị tác động hay ảnh hưởng bởi các yếu tố rượu vang vai to, đáy sâu, nồng độ cao hay không?
1 – NGOẠI HÌNH
Chai cao to, nặng, vỏ thuỷ tinh dày, đáy chai sâu, tem nhãn rượu lớn…
Chai cao to, nặng, dày, đáy chai sâu: Rượu vang được đóng chai thuỷ tinh xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 17, khi lò nung đốt bằng than ra đời. Những chai thuỷ tinh dùng đựng rượu thời kỳ đó được thổi thủ công và thường có hình dạng củ hành, được sử dụng chủ yếu cho rượu Champagne, với đáy chai bằng phẳng. Cũng ở giai đoạn lịch sử ấy, để phục vụ công cuộc chinh phục các thuộc địa của các đế quốc châu Âu, rượu vang được vận chuyển lênh đênh trên biển hàng tháng trời đi đến khắp năm châu: Mỹ, Á, Phi,… Khi vận chuyển trên tàu thủy sóng đánh bập bềnh, tàu nghiêng ngả rung lắc trên đại dương…. nên chai vang cũng bị rung lắc mạnh và chai vang dễ bị vỡ hoặc bật nút chai, bật/vỡ/bục đáy chai. Hơn nữa là kỹ thuật làm vang thời điểm đó không tốt như hiện nay, kỹ thuật lọc (Surface Filtration) không lọc được hết khuẩn và men nên trong khi vận chuyển cùng yếu tố thay đổi thời tiết – khí hậu – ánh nắng mặt trời trên biển… rượu vang đóng chai thời điểm đó bị thay đổi phần chất trong quá trình lên men lại, làm tăng áp suất bên trong của chai dẫn đến bung/ bật đáy chai và cũng rất dễ làm ảnh hưởng/tác động nhiều đến chất lương rượu. Vì thế, để khắc phục những điều này các kỹ sư thời đó đã vận dụng kiến thức vật lý/hình học để làm những chai vang với đáy/ đế chai lõm vào thay vi làm đế bằng để nhằm giảm áp lực khi bị rung/lắc. Cùng một lực nén mà diện tích càng lớn thì áp lực càng giảm nên khi làm đáy/đế lõm vào thì nó tạo nên đế chai có hình nón và phần đáy chai tiếp xúc với rượu chính là phần diện tích xung quanh của hình nón. Mà diện tích xung quanh hính nón thì lớn hơn diện tích hình tròn ở đáy của hình nón đó – thế nên áp lực của cùng thể tích rượu lên đáy (diện tích xung quanh của phần hình nón ở đáy chai) sẽ giảm hơn so với áp lực cũng của lượng rượu đó lên hình tròn nếu làm đáy tròn như trước kia. Nhờ đó mà chai rượu giảm độ hư hỏng/đổ vỡ khi bị sóng đánh bật đáy chai ra. Cũng để bảo quản rượu thì người ta làm chai dày hơn để giảm tiếp xúc với ánh mặt trời vì khi đó chưa có máy lạnh/công lạnh như thời nay.
Như thế thì độ sâu, độ dày của vỏ chai không quyết định chất lượng chai vang. Có những thương hiệu đã nhiều chục, thậm chí cả trăm năm rồi bên nhà sản xuất giữ giá trị truyền thống không thay đổi mẫu mã thì sao?
Cái thay đổi dễ nhất là thay đổi vỏ chai – chỉ cần trả thêm một vài chục cent đến khoảng 1$ thì bên sản xuất chai có thể làm cho bạn cái vỏ nặng đến hơn 1kg nếu bạn muốn. Tuy nhiên là rượu thì ko dễ để thay đổi được – cái này vô cùng công phu, cầu kỳ nếu muốn có chai vang ngon vì liên quan đến rất nhiều yếu tố từ vùng thổ nhưỡng trồng nho, loại nho, chất lượng/tuổi của vườn nho, niên vụ , kỹ thuât làm rượu….
Vì thế chai dày, chai nặng, đít sâu… chỉ là hình thức để trông chai vang có vẻ lực lưỡng mạnh mẽ hơn thôi chứ không thể quyết định chất lương bên trong chai rượu.
2 – NỒNG ĐỘ CAO
Chai nồng độ cồn từ 14% trở lên, thậm chí trên 15%ABV..mới ngon ???
Nồng độ rượu trong lĩnh vực rượu vang (để phân biệt với rượu whisky) thật lòng mà nói rất đa dạng và cũng là một đề tài cần nhiều thời gian hơn để bàn luận/nghiên cứu.
Theo tiêu chuẩn chung thì nồng độ ghi trên tem rượu được phép xê dịch 0.5% độ cồn. Việc cùng một sản phẩm y hệt nhau nhưng chai này độ cồn vẫn có thể cao hơn hoặc thấp hơn chai kia chút xíu là việc đôi khi xảy ra. Tuy nho cùng hái trên một thửa ruộng về để ép nước nhưng mẻ rượu này có thể là 13.9% và mẻ kia có thể là 14.1% chẳng hạn và mức trung bình sẽ là 14%. Gần đây nhờ kỹ thuật tiên tiến nên những chênh lệch này được giảm xuống tối thiểu, người ta cố gắng pha trộn các mẻ có nồng độ cồn chênh lệch để tạo ra tính trung bình hài hòa nhất, tuy nhiên việc tuyệt đối độ cồn đồng đều ở tất cả các chai rượu của cùng một loại vang là điều rất khó đạt được và thường các hãng rượu sẽ để mức độ cồn là mức trung bình nhất có thể. Với mẻ rượu mà nồng độ cồn trung bình: giả dụ là khoảng 14% mà luật thì cho phép nhà sản xuất để chai vang với độ cồn xê dich tới 0.5%., khi đó nhà sản xuất có thể đề nồng độ trên chai vang là 13.5% hoặc 14% hoặc cũng có thể là 14.5% tùy mong muốn hoặc nhu cầu của mỗi hãng – tất cả đều hợp lệ.
Có những loại nho/vùng trồng nho chỉ ngon khi ở nồng độ cồn thấp hoặc có những loại ngon hơn khi ở nồng độ cồn cao. Chẳng hạn cùng nho làm rượu trắng thì Sauvignon Blanc tân lục địa (New Zealand, Nam Phi….) hoặc ở những vùng mà khí hậu lạnh đồng thời nhiều ánh nắng – là những thung lũng trồng nho có địa hình cao và gần với những vùng biển lạnh (chẳng hạn vùng Lo Abarca ở thung lũng San – Antonio, Chile) thi thời tiết sẽ lạnh hơn nhưng do nho được trồng trên những vùng cao nên lại đón được nhiều ánh nắng mặt trời hơn. Trái nho khi đó thường sẽ lý tưởng để làm ra những chai rượu ở nồng độ cồn thấp vì như thế mới giữ được hương vị lạnh tươi mát, đầy hương hoa trái, còn nếu để cồn cao sẽ làm mất đi vị rượu. Hoặc nho Riesling trồng ở Đức là giống nho ưa vùng khí hậu lạnh giá và thường hợp để làm ra những chai vang trắng nồng độ cồn không cao (khoảng 12 – 12.5% ) rất phù hợp để dùng với những món hải sản tươi sống.
Ngược lại nho trắng Chardonnay đa phong cách có thể làm nồng độ cồn thấp hoặc cao khi ủ trong thùng gỗ sồi để tao vị đậm đà của chai vang nên nồng độ cồn thường sẽ cao hơn. Dĩ nhiên cũng có những nhà làm rượu muốn làm ra những chai Chardonnay tươi trẻ không ngâm sồi vì đó là sở thích của họ.
Cùng vùng Bordeaux thì nho để làm rượu đỏ Merlot dễ để độ cồn cao hơn so với nho Cabernet Sauvignon, có nghĩa nếu chai vang đỏ Bordeaux mà độ cồn 14.5% chẳng hạn thì khả năng rất cao là thành phần chính chủ yếu sẽ từ nho Merlot/Cabernet Franc; còn chai vang mà độ cồn khoảng 13.5% thì nho chủ đạo thường sẽ là nho Cabernet Sauvigon. Nho Merlot cho phép làm ra những chai vang có nồng độ cồn cao hơn vẫn giữ được hương/vị điển hình của nó nhưng nho Cabernet Sauvignon thường cần làm ở những chai có độ cồn thấp hơn mới thật sự là tuyệt đỉnh.
Một số người tiêu thụ cho rằng việc nồng độ cồn cao sẽ đậm đà hơn? Điều này là không hoàn toàn đúng! Nếu cùng một loại nho, của cùng một nhà sản xuất, ở cùng một thời đểm uống và cùng niên vụ hái nho thì đúng là chai có độ cồn cao hơn sẽ đậm hơn chai có độ cồn thấp hơn.. Tuy nhiên nếu là khác loại nho và khác các yếu tố khác thì có thể chai nồng độ cồn cao hơn chưa chắc đã đậm đà hơn chai có nồng độ cồn thấp hơn! Hơn nữa tuổi của chai vang, thời điểm uống vang mới là cái quyết định cảm nhận chất đậm hay còn tươi trẻ, đặc biệt với những chai vang ngâm sồi lâu và ủ trong hầm lâu trước khi đóng chai để đến với giới tiêu thụ thì việc này càng rõ nét.
So sánh một cách giản dị với những người đã từng hoặc hay sử dụng rượu mạnh thì cùng độ cồn 40% nhưng chai Chivas 18 năm sẽ uống không đậm đà như chai Chivas 25 năm, vậy nên mặc đinh tất cả những chai mà độ cồn cao là đậm đà hơn chai độ cồn thấp là một sự nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc của một số người sử dụng!
Hải sản tươi sống có thể ăn hấp hoặc chiên, nướng – mỗi kiểu một vị – mỗi người một sở thích và mỗi cách ăn đều có vị ngon riêng nên ko thế so sánh cái nào ngon hơn. Có người thích chai vang trắng Sauvignon Blanc tươi mát với độ chua mạnh mẽ,ko ngâm sồi nồng độ cồn 12.5% để kết hợp với những món phù hợp với chai vang đó; lại có người lại thích chai vang trắng nho Chardonnay hoặc Viognier ngâm sồi vị hơi chua ngọt đậm đà, ko nhiều vị hoa trái và nồng độ cồn 13.5% thậm chí 14% để kết hợp với một số món khác.
Mỗi chai vang (loại vang tốt) với độ cồn khác nhau đều ngon theo cách khác nhau và trên thế giới người ta không đánh giá độ cồn làm tiêu chí quyết định độ ngon của chai rượu. Ở một số nước thì độ cồn sẽ ảnh hưởng đến mức thuế tiêu thụ mà người bán cũng như người mua phải trả cho chinh phủ tăng tỷ lệ theo % của độ cồn và đó là thứ có lẽ là khách hàng quan tâm khi chọn rượu theo độ cồn (vì cồn cao hơn sẽ bị đánh thuế cao hơn) chứ ko phải để đánh giá có ngon hay không ngon.
Gần đây có hiện tượng là một số nhà làm rượu lợi dụng yếu tố thị trường ở một số nơi thích độ cồn cao nên họ dùng biện pháp không tự nhiên để tăng cường độ cồn của chai vang lên (cường hoá) cho đáp ứng với yêu cầu của khách. Khi tác động như thế để tăng độ thì do cấu trúc cốt lõi là chai rượu làm từ nho không đặc biệt, không đạt độ cồn chuẩn tự nhiên nên rượu mở ra uống gắt nồng, không tự nhiên và chỉ một lúc sau thì nhạt nhẽo vị xuống không phanh không thắng nổi.
Ngược lại có những nhà làm rượu uy tín để chai rượu cấu trúc sâu/mạnh mẽ do nho tốt và làm tự nhiên (chưa kể họ còn đôi khi hạ thấp nồng độ cồn thực xuống chẳng hạn 14.4% họ chỉ để là 14%, chai vang nồng độ 13.9% họ đề 13.5% thôi) nên chai rượu mở ra cả tiếng, thậm chí vài tiếng mà uống vẫn rất sâu/đậm/cấu trúc rất tốt. Thậm chí để cả ngày trong tủ mát rồi lấy ra uống (không cần hút chân không) mà vẫn rất ổn. Vậy nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi chai vang 13.5% mà sao lại sâu lắng, đậm đà đến thế!
Ngoài ra thì cách kết hợp vang với đồ ăn là thứ cực kỳ quan trọng – nếu ko muốn nói là quan trong nhất! Ta chọn được chai vang ngon mà kết hợp với món ăn không chuẩn thì sẽ làm hỏng vị chai rượu và hỏng luôn vị món ăn. Chính vì thế nên để làm được việc kết hợp vang với rượu cần có những sommelier – là những người am hiểu rượu vang để phục vụ thực khách và những gourmet – là những người sành ăn để cảm nhận. Riêng về phần này thì có lẽ cần phải viết cả quyển sách hoặc nhiều bài nên tôi xin không quá chi tiết việc kết hợp món ăn với rượu vang ở đây mà nếu có cơ hội và được mọi người ủng hộ/chiếu cố thì tôi sẽ trình bày trong các bài viết khác.
Như vậy nếu để một cách tự nhiên thì có những dòng vang chỉ ngon ở nồng độ cồn thấp, có những dòng vang sẽ ngon hơn ở nồng độ cồn cao… Vậy nên có thể quả quyết là với những người hiểu rựou vang thì độ cồn không quyết định chất lượng chai vang. Có những chai vang nên uống ở độ cồn cao mới ngon và có những chai chỉ uống ở độ cồn thấp mới là hoàn hảo.
3 – LOẠI NÚT CHAI VANG
Chai nút bấc/nút bần (nút vỏ gỗ có nghĩa là cần dung khui để mở). Chai nút vặn (nút xoắn, vặn tay ra là mở được) mặc nhiên là chai rượu bình thường
Có nhiều loại nút chai để đóng nắp một chai vang nhưng quy tụ chung theo cách hiểu giản dị là rượu chai nắp vặn (screw caps) – mở bằng cách xoáy nắp chai không cần dụng cụ mở và rượu chai nút bần/nút bấc (corks) – mở bằng cách cần có dụng cụ mở vang (khui rượu). Đây là 2 loại nắp/nút chai phổ biến nhất trên thị trường. Ngoài ra còn môt số loại nắp chai nữa nhưng trong khuôn khổ bài viết tôi xin ko nêu các loại còn lại.
Đọc thêm:
Trên thực tế thì việc rượu vang với nút chai cần dùng khui để mở (Corks) chia ra làm nhiều loại khác nhau và nhiều chai trong số đó làm bằng các nguyên vật liệu tổng hơp, bán tổng hợp… chứ không làm bằng vỏ gỗ sồi tự nhiên, chúng là những loai sau đây:
- Synthetic Cork: Nút chai này được thiết kế để trông như nút bần và được tạo vẻ xốp cho nút, tuy nhiên nó hoàn toàn là sợi tổng hợp và chỉ tạo cảm giác của người mở chai như nút bần tự nhiên – dùng cho những chai vang ít tiền chất lượng thấp.
- Agglomerated Cork – (Nút kết tụ): Đây là loại nút phổ biến của những chai Champagne hoặc sparking nói chung. Để giải thích một cách chi tiết thì cần dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành kỹ thuật nhưng tóm lại chúng ta có thể hiểu một cách nôm na là nếu nút chai bấc được làm từ vỏ gỗ sồi tự nhiên thì nút chai kết tụ là được làm từ một dạng hạt ép và dùng chất keo kết dính lại để kết tụ rất chặt chẽ, kiểu gỗ ép dạng ván dăm so với gỗ thật. Ưu điểm của chúng là rất chăc chắn, gần như ko cho không khí lọt vào được, chịu áp lực rất tốt và rẻ hơn so với nút chai làm từ vỏ gỗ sồi. Nhược điểm là dạng nút này chỉ nên sử dụng để cho những chai vang có thể uống tươi trẻ ko cần ageing (nuôi dưỡng lâu năm).
Sẽ có câu hỏi tại sao những chai Champagne đắt tiền lại làm bằng nút này? Nếu có dịp tôi sẽ có bài viết khác để làm rõ.
- Agglomerated technical corks – (Nút kết tụ bán tự nhiên) – một dạng nút chai kết tụ và có phần cuối chỗ tiếp xúc với rượu vang trong chai được làm bằng vỏ gỗ sồi tự nhiên để tăng tính tự nhiên cho nút.
Ngoài ra còn một số nút khác đều ở dạng corks nhưng ko thể viết hết vì bài sẽ quá dài. Những loại nút trên đây đều có những ưu/nhược điểm riêng
- Nút chai làm bằng Vỏ gỗ sồi tự nhiên : đây là những nút chai có truyền thống lâu đòi được sử dụng cho rượu vang khoảng từ đầu thế kỷ 18 đến nay và là dạng nút cao cấp nhất cho những chai vang tốt. Dĩ nhiên nút tự nhiên cũng chia làm nhiều loại là loại nút tự nhiên 100% từ vỏ gỗ chất lượng cao và nút từ vỏ gỗ chất lượng thấp hơn. Nút được làm từ vỏ thân cây thuộc họ gỗ sồi – có tên là Quercus Suber mọc chủ yếu ở 2 quốc gia tây nam Âu trên bán đảo Iberia là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Loại sồi cho vỏ để làm nút vang này là loại sồi riêng biệt trồng để lấy vỏ cây để dùng vào việc làm nút chai vang, thân cây ko dùng làm thùng sồi ngâm rượu. Những loại sồi mà thân cây dùng để làm thùng sồi ngâm ủ rượu tốt nhất thì chủ yếu mọc ở Pháp, Mỹ hoặc một phần là Slovenia. Một cách dễ hiểu là có những loại bò nuôi chỉ để vắt sữa và những loại chỉ để lấy thịt. Người ta trồng loại sồi để khai thác vỏ cây làm nút rượu này đến chừng khoảng vài chục tuổi thì bắt đầu cắt lớp vỏ của sồi ra để dùng cho việc làm nút rượu vang, sau khi bóc hết lớp vỏ này thì những cây sồi bị “lột trần” dần dần một lớp vỏ khác lại mọc lên tái tạo và sau khoảng 10 năm thì có thể thu hoach tiếp cho đến khi cây khoảng 200 tuổi. Một số tài liệu có sự nhầm lẫn Bồ Đào Nha là quốc gia Địa Trung Hải, thực tế thì trong 2 quốc gia của bán đảo Iberia này thì Bồ Đào Nha không tiếp giáp trực tiếp với biển Địa Trung Hải, chỉ có Tây Bân Nha là tiếp giáp biển này thôi. Bồ Đào Nha được ôm trọn bởi Đại Tây Dương. Tuy nhiên bán đảo Iberia của 2 nước này là bán đảo được nằm trọn trong vùng đới lưu khí hậu của biển Địa Trung Hải – Đại Tây Dương – phù hợp nhất cho những cây họ sồi lấy vỏ này.
Việc đóng chai bằng nút vỏ sồi tự nhiên trước đây được xem là hoàn hảo với rượu vang, đó là công nghệ tốt nhất để bào vệ chai rượu khỏi bị oxy hóa. Chai vang càng quý/tàng trữ lâu năm thì nút chai càng làm dài.
- Ưu điểm của chai vang có nút bần/ nút bấc làm từ vỏ gỗ sồi tự nhiên:
-
- Nút chai này mang đến nhiều thông điệp, nó gợi mở về tuổi của chai vang, chất lượng, nét văn hóa. Khi mở chai rượu này thì với những người sành, họ sẽ đưa lên gần mũi để ngửi thoáng qua (như cách chúng ta đưa thoáng qua khi thử mùi nước hoa) để biết được là rượu trong chai còn trẻ hay đã đủ tuổi để uống chuẩn, rượu có bị ảnh hường bởi nút hỏng hay không? Những chai rượu còn trẻ thì nút sồi còn tươi mùi vỏ cây, với những chai đã đủ tuổi thì rượu thấm đẫm vào vỏ nút tạo nên sự hòa quyện, cân bằng.
- Nút chai gỗ tự nhiên luôn luôn có những kẽ hở li ti để không khí (rất nhỏ) lọt vào làm thúc đẩy quá trình rượu trong chai được chuyển hóa theo khi tàng trữ, làm cho rượu trở nên ngon hơn theo thời gian.
- Bảo vệ môi trường do được làm từ vỏ cây tự nhiên, có thể chuyển hóa, tái tạo
- Nhược điểm của chai vang có nút bần/nút bấc làm từ vỏ gỗ sồi tự nhiên:
-
- Giá thành đắt nên thường chỉ phù hợp cho những chai rượu tốt giá cao.
- Do nút làm từ vỏ cây tự nhiên nên cũng giống như vang, chất lượng sẽ không đồng đều ở tất cả các nút như khi làm công nghiệp. Độ xốp của các vỏ cây là khác nhau nên độ xốp của nút chai cũng khác nhau, ảnh hưởng không đều lên rượu bên trong các chai.
- Một lượng nhất định nút chai ảnh hưởng đến chất lượng rượu trong chai, làm hỏng chai rượu (do quá trình sản xuất nút người ta có thể thêm một số chất hóa học như clo nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng rượu trong chai). Theo các số liệu khác nhau thì lượng rượu bị ảnh hưởng do nút chai này xê dịch từ vài phần trăm đến khoảng 7%, tùy nơi và tùy nhà sản xuất. Những mùi đặc trưng của chai rượu bị ảnh hưởng bởi nút này là mùi trứng ung, mùi quần áo ẩm mốc…
- Do làm từ gỗ tự nhiên nên nút dễ khô cong, dễ gãy vỡ làm hỏng rượu trong chai trong quá trình tàng trữ, việc tàng trữ mất nhiều công sức bảo quản.
Còn các chai vang nắp vặn Screwcaps (còn gọi là nút xoăn,xoáy). Vào khoảng giữa thập niên 1960 thì môt số nhà làm rượu ở miền nam Úc do ko hài lòng việc rượu đóng nút bần bị hỏng khá nhiều nên họ thông qua đại diện là giám đốc hiệp hội vang thời đó để đặt hàng nhà sản xuất nút vặn. Sau vài chục năm phát triển thì đến nay đại đa số rượu vang từ Úc và New Zealand (Tân Tây Lan) đều được làm từ nắp vặn dù hình dáng chai như thế nào và giá thành có đắt đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng đều là nắp này.
- Ưu điểm của chai vang sử dụng nút vặn:
-
- Giá thành rẻ hơn nhiều so với nút bần tự nhiên
- Dễ mở, thử hình dung khi chúng ta ở môt nơi khi có rượu vang mà không có khui mở thì sẽ ntn nếu là một chai nút corks? Có rượu mà không thể uống được còn bực mình hơn là thà không có .
- Bảo quản tốt hơn so với chai nút bần : công nghệ nút vặn Screwcaps gần như không cho phép không khí có thể lọt vào chai rượu do đó rượu gần như ko bị ảnh hưởng. Ngoài ra về lý thuyết thì do không khí không lọt vào nên nhà sản xuất có thể giảm lượng sulfur dioxide (một dạng chất bảo quản được cho phép sử dụng) trong rượu xuống thấp hơn so với chai nút bần, rượu trong chai nút vặn về lý thuyết có thể ít chất bảo quản hơn so với chai nút bần.
- Với những chai vang không uống hết – rất thuận tiện để đóng năp lại cất đi bảo quản tiếp, điều này đặc biệt hữu dụng với những chai vang trắng có thể để lâu sau khi mở nắp.
- Nhược điểm của chai vang sử dụng nút vặn:
-
- Quá trình sản xuất nắp chai vỏ kim loại gây ảnh hưởng nhiều độc hại đến môi trường, ngoài ra có những tranh cãi là việc vỏ nhựa ở đầu nắp chai (phần tiếp xúc với rượu) không thật là an toàn cho sức khỏe người dùng.
- Nút chai kín không cho không khí lọt vào cũng có những tranh cãi về việc rượu trong chai ko được chuyển hóa do không tiếp xúc cùng lượng nhỏ không khí như chai nút bần
- Và, cuối cùng, là khi mở chai nút vặn sẽ không bao giờ những người sành vang/lịch lãm có được cử chỉ sành điệu là đưa nút chai thoáng qua mũi ngửi nhẹ để đánh giá rượu trong chai được như chai nút bần.
- Như vậy thì những chai nút vặn không hẳn là rượu chất lượng thấp, đặc biệt nếu rượu được sản xuất ở Úc, New Zealand. Ở châu Âu thì nhiều chai vang ngon của Đức, Thụy Sỹ cũng làm nút vặn. Thời gian gần đây rất nhiều chai vang trắng cao cấp của Âu châu cũng và các nơi khác (Chile, Nam Phi…) đều được làm bằng nắp vặn vì những tính năng ưu việt khi sử dụng. Tuy nhiên nút bần vỏ gỗ sồi tự nhiên có những ưu điểm không thể phủ nhận.
Vậy chọn rượu/đánh giá rượu như thế nào không phụ thuộc hoàn toàn vào vỏ chai, đế chai, nồng độ cồn hay nút chai là nắp vặn hoặc nút bần/nút bấc. Ngoài ra chọn vang là để kết hợp với đồ ăn, mà đồ ăn mang tính vùng miền nên có những chai vang uống không thì bình thường nhưng khi kết hợp với món ăn đúng cách lại trở nên vô cùng hấp dẫn cho cả hai. Hãy là người tiêu dùng thông thái và chọn nơi mua bán và tư vấn rượu uy tín để có được chai rượu đúng gu và sự kiện, mà không làm bạn phiền lòng hay mất thời gian giữa trùng trùng những nhãn mác của thế giới rượu vang.
Liên hệ Hotline Tư Vấn Miễn Phí – Shop Rượu 63 (Sài Gòn và Hà Nội) : 0842.13.1818
Đọc thêm:
ĐỒ UỐNG VÀ ĐẶC SẢN 3 MIỀN VIỆT NAM
TẠI SAO VANG NAPA VALLEY MỸ GIÁ CAO?
Rượu 63 xin cảm ơn tác giả nguồn bài viết:
Mr. Gianni Giang Hoang – chuyên gia rượu vang (Sommelier)
http://giannigianghoang.com/
VỀ RUOU63.COM – ĐỊA CHỈ THU MUA RƯỢU NGOẠI UY TÍN
RUOU63.COM là địa chỉ uy tín, chất lượng kèm dịch vụ vượt trội về Mua Bán và Trao Đổicác loại rượu ngoại xách tay, nhập khẩu chính ngạch; rượu vang; rượu pha chế cocktail và đồ uống cao cấp tại thị trường Việt Nam. Tự hào với đội ngũ tư vấn viên có kiến thức, nhiệt tình, chu đáo; Ruou63.com tự tin mang đến sự hài lòng và an tâm cho quý khách về các loại rượu whisky từ bình dân đến cao cấp (Scotch Whisky, Japanese Whisky, Irish Whisky, Bourbon Whisky, Taiwan Whisky,…), cùng các loại rượu Vang ngon đa dạng. Hãy liên hệ shop RƯỢU 63 để được tư vấn và mua những sản phẩm rượu tốt nhất.
- Địa chỉ: TP. HCM và Hà Nội
- Thời gian làm việc: 9:00 – 21:00
- Hotline/Zalo : 0842.13.1818
- Website:https://ruou63.com
- Email : contact.gingerboy@gmail.com
- Facebook: https://www.facebook.com/Ruou63